Thành Phố Không Mặt Người
Thành Phố Không Mặt Người
Tác giả:Nhiều Tác Giả
Thể loại:Truyện Teen
Ấn phẩm “Thành phố không mặt người” bao gồm 30 truyện ngắn xuất sắc nhất được chọn từ 2.261 tác phẩm dự thi của cuộc thi Truyện ngắn YuMe 2011.
30 tác phẩm là 30 mảng màu của cuộc sống đầy màu sắc. Đó là một miền Tây hồn hậu của Người đàn bà đa tình, một Hà Nội xưa cũ, hoài niệm được tái hiện trong Ngách vắng xôn xao, hay một miền rừng núi thẳm sâu trăn trở của Giấc mơ vượt đỉnh Mí Roòng.
Không chỉ là cuộc hành trình trên khắp mọi miền đất nước, tập truyện còn zoom cận cảnh số phận từng con người, là tủn mủn, nỗi muộn phiền vặt vãnh của cuộc sống thường ngày trong Thế giới vịt cồ, là sự ám ảnh của cơn ghen tuông đàn bà của Nhoẻn miệng và... cười, hay sự day dứt của người vợ phản bội chồng trong Giấc mơ về một con chuột mang khuôn mặt người.
Tất cả đã được các tác giả cẩn thận gieo trong từng câu chữ, trong từng nhịp tình huống truyện, khơi gợi ở độc giả những miền cảm xúc chân thật nhất. Người đọc, hẳn sẽ tìm thấy đâu đó bản thân mình qua từng mảnh ghép của tập truyện.
Với tên gọi Thành phố không mặt người, ấn phẩm còn gửi gắm một ý nghĩa: Đó là một đời sống văn học mạng sôi động, nơi người đọc và người viết tìm thấy nhau, không phải qua những khuôn mặt tượng hình, mà qua những con chữ, những mạch cảm xúc chân thật và sống động nhất.
1. Người đàn bà đa tình
Truyện ngắn của VÕ DIỆU THANH
Ngày mợ mới về nhà cậu Thị. Người mẹ có bảy tám nếp nhăn trên trán của Đĩnh lắc đầu.
- Vợ thằng Thị, bây qua đây tao cho cặp kiếng đen với cái khăn đội đầu.
- Má, mợ Thị đâu có cận mà má cho cặp kiếng. Vấn cái khăn như má nhìn nực nội muốn chết.
- Thằng mất dại, biết gì mà ăn cơm hớt.
Đĩnh thấy mình ngu. Anh không hiểu hết ý cặp kiếng đen của má. Đĩnh còn ngu lâu. Nhà anh phơi lá gòn. Bột gòn chất bao bao. Nó quá quen. Nhưng Đĩnh thường hỏi màu xanh này ở đâu. Lá phơi khô màu xám. Vậy thì màu xanh ở đâu khi xay nó nhừ ra. Có những điều rất ngộ.
Ví dụ như vì sao mợ Thị giấu tóc. Nó đen nhức nhối, xức dầu dừa mướt rượt nhưng lai búi cục, đội khăn quanh năm. Hình như có lúc Đĩnh cũng hiểu. Nếu mợ để cho nó bay tự do thì lôi thôi. Mấy lần mợ gội đầu, nước con sông dường như không muốn chảy nữa. Thật ra chỉ có tóc không thôi thì cũng không đến nổi. Nhưng nếu nó chảy hai bên, trên là trán phẳng, dưới là từng nét từng nét mượt mà. Đố ai không bị ám ảnh.
Ấn tượng mạnh. Chỉ có cậu Thị là không bị ngợp. Quá nhàm. Cậu mê thứ khác. Thà bỏ vợ chớ không bỏ mấy con gà trống, những ông tây trong lá bài. Ai cũng nhìn Thị. Kỳ vậy. Ôm một người người đàn bà đẹp như mợ không thấy ghiền sao, không sợ mất sao. Cậu Thị hỏi sợ gì? Mợ dám hó hé sao? Với ai? Đàn ông xóm này có ai không thèm mợ. Nhưng mấy thằng có gan bán trời không mời thiên lôi đã trót chơi thân với cậu Thị rồi. Ngu mới rề rà với vợ bạn, giang hồ ỉa vô mặt. Số người khác đàng hoàng hơn một chút thì nhìn mặt cậu Thị là muốn cóng giò. Cậu thả lang mợ.
Mợ được thả lang từ nhỏ. Mồ côi hồi tám tuổi. Chú Ba nuôi hai chị em mợ chưa khôn đã lớn. Năm mười tám có một người thương mợ. Đồ ngu, thương cháu mà gây thù với chú. Mợ đi theo người đó. Chú ba nói vậy thì thì đi luôn, khỏi gặp lại thằng em nữa. Mợ bỏ người trai đó theo chú đảo về nhà.
Cậu Thị là công tử. Một lần đi chơi nhìn thấy người con gái tóc cột buông dài, vo quần tới gối, bầm chuối, quét nhà, rửa chuồng heo… Chọc ghẹo cỡ nào mợ cũng không cười. Vậy mà say la đà. Mợ nói mợ đã có một đời chồng nhắm thương được không. Cậu hoảng. Mấy ngày kế bỏ ăn. Biết mình không thể quên được người con gái có mái tóc đen nhức đó.
Đám giang hồ cười cậu “cưới đàn bà ngóc đầu lên nổi tao kê cổ cho khứa”. Yếu bóng vía mới tin. Nhưng cậu bại trận hoài. Trong bụng không khi nào thấy vui. Cậu hận mình. Cái mùi trinh nguyên nó ra làm sao. Những lúc kề cận nhau cậu hay hỏi “mày còn tưởng nhớ thằng đó phải không”. Mợ không nói được.
Cậu cắm đầu với mấy chuồng gà. Mấy chục công đất cha mẹ để lại bay theo những cú nhảy vọt máu của đám gà. Mợ muốn nấu một nồi bánh canh bán nhưng má Đĩnh bàn ra. Xóm có vài trăm nóc nhà, mới ba giờ nhà nào cũng có người thức sớm nấu cơm. Đi buôn bán xa thì cậu biểu đi luôn. Đi mót lúa cậu nói “có phải mày đổi lấy cái của mày có được bao lúa này không”. Cậu nghĩ đúng. Người như mợ bước ra đường đàn ông họ đang có cái gì sẵn sàng dâng hết cái đó. Mợ chỉ biết ra cái vườn tạp sau nhà quét lá ung lấy tro. Mợ Thị bán tro mua gạo… Cậu Thị cũng ăn miếng cơm nồng mùi tro nhưng cậu rất ghét tro. Mấy lúc muốn bán tro phải đợi cậu không có ở nhà. Chớ đong tro bụi bay mịt trời cậu chửi tắt… bụi.
Mợ không sợ bụi, mê tro. Có khi mợ đứng bên mấy gốc cây tạp nhìn tàn lá xanh um, ước tụi nó rụng nhiều nhiều… Rồi tự nhiên thấy mình dã man quá. Mình đã đốt rụi bao nhiêu xác lá?
Đĩnh thấy mình có tội. Nếu nhà Đĩnh trồng còng thì mợ có cái để đốt. Lá còng dầy, cháy tốt nhiều tro. Đằng này nhà Đĩnh trồng toàn gòn. Mà gòn mới đâm tượt được vài thước, lá còn xanh um đã bị Đĩnh đốn, phơi khô xay bột, bán cho bè cá, bán cho xưởng làm nhang. Nhìn cái vườn gòn không có miếng lá rụng, Đĩnh thấy mình vi phú bất nhân.
Bên nhà Đĩnh không có cái gì để mợ Thị có thể gom rồi đốt. Vì má anh cũng thức hồi ba giờ quét sàn sạt, gom gọn ung khói mù trời. Khói đuổi muỗi cho heo, cho gà, cho người. Mùa lạnh còn có thể ngồi quanh đống ung hơ lửa, kể chuyện xưa. Mấy cô gái muốn dễ lấy chồng phải biết quét sân, quét sàn ung lá. Má Đĩnh đã có thói quen này từ hồi mới về làm dâu. Cho nên nhà Đĩnh trước sau không có một cái lá.
Mỗi lần phơi lá gòn Đĩnh luôn tự hỏi mấy cái lá này đốt có nhiều tro không? Lúc cầm thau trút bột gòn vô bao Đĩnh nghĩ cũng là bột lá, sao bột này màu xanh, không bụi, bột tro bụi bay đầy đầu. Mợ Thị mỗi ngày sàng vài chục đống tro. Tro bu đầy hàng mày, hàng mi mướt xanh của mợ. Mắt xanh mi bạc. Không làm mợ già đi, xấu đi, chỉ thấy ngộ. Như là khói giăng mặt hồ. Ai rớt vô đó cũng ngập ngụa mà không hề biết là mình đang ngập ngụa. Hồi năm mợ hai mươi lăm đã có ba đứa con rồi mà mấy anh chàng đi mua tro lần nào tới xứ này cũng ghé hỏi có tro không? Có khi mới bán hai bữa trước bữa sau đã ghé lại hỏi. Mợ nói tro này có người mua rồi. Mợ bắt mối mấy người phụ nữ dù cái thúng họ lớn gấp đôi cái thúng phơi lúa nhà mợ.
Như vậy mới yên thân. Ví dụ thấy một ai đó dòm ngó mợ, cậu hỏi “mày nhìn nó kiểu gì nên nó mới vậy. Đàn bà thiếu gì sao tụi nó xúm dê mày”. Đĩnh thấy mợ hình như cũng đâu có sợ cậu. Chẳng qua mợ không muốn nghe một lời tán tỉnh nào nữa hết. Nghe có thấy vui gì đâu. Tối ngày mợ chỉ lủi thủi với đám tro. Nói chuyện với đống ung. Hơi thở đã mặn mùi tro. Khi vướng vấp đâu đó trong cổ khạc ra cũng chỉ thấy tro.
Mà Đĩnh biết hai thứ bột gòn và bột tro nó giống nhau. Nếu đem đổ xuống đất mười ngày sau chúng thành đất hết. Bột gòn nhà Đĩnh vô bao che chắn kỹ. Mợ Thị không có nhiều bao, không có tấm ni-lông lớn. Nhà mợ tro để đầy cặp bên hông, trước nhà sau nhà đều có tro. Chỉ trừ dưới sàn nhà cậu Thị cất chuồng gà. Mợ chỉ được chui xuống đó quét cứt gà hoặc là lấy tro rãi đuổi đám mạc mẹ, mạc con chớ không được vựa tro chỗ đó. Mùa mưa mợ lấy lá chuối lợp nhiều lớp. Khi bán, một lớp dầy dưới đáy bị ướt không ai mua hoặc là nó đã bị mục thành đất. Như mồ hôi mợ về với đất.
Đĩnh lén má lấy mấy cái bao cũ đem bỏ ra hè, chỗ mợ quét lá. Mợ quét tránh mấy cái bao. Đốt cũng tránh mấy cái bao. Đĩnh tự hỏi vì cái gì mợ không lượm mấy cái bao hốt tro. Vậy thì thôi mợ lùa tụi nó vô đống ung đốt phức cho rồi. Má Đĩnh cằn nhằn.
- Thằng hủy của. Bao tao còn lành bon mà đem giục.
Đĩnh đốn sát gốc một đám gòn, còn đang tiếp tục đốn nữa. Má chạy tới giựt cây dao.
- Thằng trời đánh,mày đốn hết đám gòn rồi lấy lá đâu xay.
- Con trồng còng.
- Trồng còng chi?
- Cho nó rụng lá…
Tới đây thì má của Đĩnh đã hiểu.
- Mày vô đốt nhà, thảy tao vô đó luôn cho nó nhiều tro.
Đĩnh quay lui, vác rựa vô nhà. Đi qua mấy đống ung nhà mợ Thị, Đĩnh ao ước mình trở về thời con nít. Mùa nước giựt mạnh gió bấc thổi già, cái lạnh cũng đặc sệt như có thể đông cứng con người. Mấy người mạnh giỏi đi cắt lúa sạ. Người già con nít ở nhà ngồi quây bên những đống ung, vừa ấm vừa tránh được muỗi. Đĩnh hình như thấy mình thành người lớn là nhờ những đống ung. Trong xóm có một người đọc truyện Tàu rất nhiều kể cho con nít nghe mỗi ngày một khúc như người ta chiếu phim nhiều tập. Đĩnh với mấy đứa cùng cỡ đêm nằm ngủ trông au sáng đặng tới đống ung nghe chuyện. Ông kể Kiều Phong trượng nghĩa chung tình. Thái tử Sĩ Đạt Đa ngộ ra con đường bất tử, thoát kiếp luân hồi. Đĩnh đã hết con nít rồi nhưng sao thèm mấy chuyện củ rích. Thương Kiều Phong mất người yêu muốn chảy nước mắt.
Má Đĩnh thấy mặt anh buồn buồn bà dọ tới dọ lui kiếm mấy cô gái ở xóm trên xóm dưới.
- Má đừng có dọ nữa. Con không lấy vợ đâu.
- Mày tính ở vậy báo tao tới già hả thằng chết bầm
- Con sợ mình có vợ không lo được cho người ta, để người ta khóc thầm.
Đĩnh sợ nghe tiếng khóc thầm của phụ nữ rồi. Sao mà nghe được. Khó nghe lắm. Nhưng mà đã nghe rồi thì vô phương quên. Đó là những tiếng khóc làm không gian đứt gãy. Trở mình nghe ruột gan lăn rổn rảng. Má lắc đầu.
- Trời ơi, con ơi là con. Đã người ta khóc thầm rồi mà mày còn lén nghe làm chi cho nặng lòng nặng dạ không biết.
Mấy ngày sau mợ Thị chặt tre gai về cắm hàng rào. Cậu Thị hỏi mầy có khùng không? Ở đây người ta cất nhà còn không làm cửa, mày làm hàng rào không giống ai hết.
Mợ nói không làm rào ăn trộm nó lấy hết mấy đống tro của tôi. Ăn trộm sát bên vách nhà nè. Cậu Thị tán mợ cái bốp. Mày muốn tao phải đội rượu đi lạy bà con à.
Cái hủ nước mắm để bên hè bữa đó không biết ai múc hết, chế đầy nước thúi um. Mợ nói hồi hôm thấy ăn trộm nó leo qua rào, múc hết nước mắm, đổ nước cho đầy hủ. Mà thằng trộm đó quen lắm. Cậu Thị lại tán mợ cái bốp “đồ ba trợn”.
Má hỏi mày có nghe gì không. Đĩnh cười. Tiếng khóc thầm còn nghe nữa mà. Má làm như do Đĩnh mà mợ Thị bị mấy cái tán đó. Mà hình như Đĩnh cũng thấy đau đau như là chính tay Đĩnh đánh mợ. Đĩnh xòe bàn tay mình ra. Những ngón tay rất thô. Mấy lúc ngồi bên đây nhìn cậu Thị tắm cho gà, Đĩnh cũng thấy những ngón tay cậu Thị kệch cợm như vầy. Anh tán nguyên bàn tay lên mặt mình. Đau tối tăm mày mặt. Anh ngồi gục đầu bên vách nhà.
Đĩnh không dám nhóng mắt qua rào nữa. Mỗi lần muốn nói gì đó cậu không còn nói lớn tiếng. Anh cũng không dám để tai nghe coi bên đó họ đang làm gì.
Đối với mợ Thị, Đĩnh thật sự xa lánh. Anh có chiếc xuồng được bảo dưỡng, khóa lòi tói rất kỹ lưỡng. Người khác bệnh anh sẵn sàng lấy xuồng đưa đi nhà thương. Bữa đó mợ Thị bị xỉu, anh ngồi trước hàng ba xước mía tỉnh khô. Ai năn nỉ cũng lắc đầu, “đưa bệnh nhân tâm thần đi xui lắm.” Bà má phải lục trong túi anh kiếm chìa khóa.
Mợ Thị có thai nữa rồi. Thiệt khổ. Nó hành mợ oằn oại. Sắc diện mợ chỉ còn phân nửa hồi trước.
Cậu Thị không hay vụ mợ xỉu cũng không hay chuyện thai nghén. Một bữa đá gà thua về ghé nhà người bạn nhậu con gà xác. Xế chiều tới nhà biểu mợ dọn cơm. Mợ đang tắm cho thằng Quệnh ở nhà dưới nói chờ mặc đồ cho thằng nhỏ xong cái đã, không thôi nó lạnh. Cậu đón ngay cầu thang nhìn mợ ghìm ghìm. “Bữa nay mày lý sự với tao hả”. Cậu đá một cái mợ rớt từ sàn nước xuống đất. Cậu Thị bỏ mợ đó, đi kiếm người nhậu tiếp.
Mợ nằm oằn oại giữa vũng trịn trên sàn nước. Bụng cấn vô mấy cục đá kê chỗ lầy. Bụng đau làm mợ không nhúc nhích nổi.
Đĩnh từ nhà bếp của mình phóng thẳng xuống đất, đạp lên rào quỳ xuống đỡ mợ lên.
- Mợ. Tôi không để mợ sống kiểu vầy nữa đâu. Lâu nay tôi nín nhịn lắm rồi. Tôi sẽ đưa mợ đi.
- Dính gì tới Đĩnh mà nói là nhịn. Đi chỗ khác. Tôi không có đi với Đĩnh đâu đừng có nghĩ khùng . Qua đây làm gì, tôi đã rào rồi không thấy sao?
- Một trăm cái hàng rào này tôi cũng đạp. Tôi biết mợ không ghét tôi mà. Tôi sẽ đưa mợ đi nơi nào mợ muốn.
- Dang ra.
Mợ Thị đẩy Đĩnh ra rồi gượng đứng dậy. Nhưng nửa chừng mợ nhăn mặt quỵ xuống. Đĩnh bồng gọn mợ lên chạy re xuống xuồng. Má Đĩnh chạy theo kéo áo Đĩnh lại. Nhưng ngẫm nghĩ một hồi bà thở dài buông áo Đĩnh ra.
Đĩnh bơi xuồng đi có cảm giác mình không muốn ghé đâu hết.
- Đĩnh nên để mợ chết ở nhà. Mợ đã đi một lần, cả đời ngóc đầu không được. Giờ mợ đi nữa mấy đứa nhỏ cũng bị tiếng xấu lây.
- Tôi sẽ đưa mấy đứa nhỏ đi. Tôi có thể nuôi mợ, nuôi ba đứa năm đứa cũng được. Mợ có thể nấu bún, đốt lá sàng tro hay là làm bất cứ việc gì mợ thích. Nhưng tôi không để mợ khóc thầm.
- Đĩnh nghe được tiếng khóc thầm nhưng Đĩnh không biết vì sao mợ khóc đâu.
- Biết chớ. Vì tủi phận.
- Không
- Chớ sao mợ khóc.
- Vì mợ thương Đĩnh, thương cậu Thị.
- Thương sao khóc
- Hai người đều khổ như nhau.
Đĩnh thét lên.
- Nhưng tôi khác cậu.
Tôi sao mà giống cậu được. Tôi chỉ muốn giang thân che chắn ợ. Tôi không muốn nhìn thấy một cái nhíu mày. Một nét buồn phảng phất qua mặt mợ làm lòng tôi như sát muối. Sao mà giống cậu Thị được. Cậu Thị không phải đàn ông, cậu không phải là người. Giọng Đĩnh nghe rền hẳn lên.
- .... Nhưng cậu thương mợ.
Mợ đang ảo tưởng. Mợ đang thèm một gia đình hạnh phúc và người chồng thương yêu chiều chuộng vợ. Mợ sẽ có tất cả, xứng đáng để có tất cả. Những điều đó mãi mãi không phải từ cậu.
Mợ không cãi nữa, nằm im rên nhè nhẹ. Rên như vậy là đang rất đau. Đĩnh biết mấy lần đau đẻ mợ chỉ nhăn mặt, cắn răng, chớ không rên. Bà mụ phải kêu mợ la lên đi chớ cắn răng, chừng già hàm răng đau nhức lắm. Đĩnh đưa mợ lên trạm xá.
Mợ đã ngủ, Đĩnh ra chợ mua ợ thêm mấy tên thuốc, một cái khăn lau mặt, vài bộ đồ. Khi anh về trạm xá mợ đã đi mất. Đĩnh chạy theo. Mợ đã về tới nhà. Người ta nói thấy mợ đi, mặt như sắp lã đi. Ai giúp mợ cũng lắc đầu. Mợ bườn về tới nhà mình, gục bên cầu thang. Mấy đứa nhỏ còn đâu đó trong xóm. Cậu Thị còn say nằm ngáy trên chõng. Mợ nằm đó một mình.
Nhà trước nhà sau lá rụng xao xác. Lá nhiều kìa mợ, ngồi dậy mà gom lá đi mợ…
Người ta làm đám tang ợ. Cậu Thị vác chổi ra hè quét lá, thành đống, thành đống, nổi lửa đốt. Tro cậu không sàng mà hốt rãi lung tung. Có bữa cậu hốt nhằm tro nóng, phỏng lốm đốm. Mấy đứa nhỏ phải đem ống quẹt giấu biệt. Người ta nói cậu quá si mê mợ nên ghen. Mà ghen nên ngu. Giờ thì không còn gì để hối hận.
Suốt đám tang mợ Thị, Đĩnh nhăn nhăn như gặp bài toán khó, không dứt ra được.
- Má! Người vợ tốt như vậy mà bị ghen là sao hả má.
Đĩnh nói như là anh rất tỉnh, như một người ngoài cuộc vậy. Nhưng bà má nhìn thấy mặt anh đã bắt đầu có nếp nhăn dù anh mới chớm hai mươi.
- Con còn ngoài cuộc thấy vậy đó. Thử vô vòng với mợ, con không lo lắng ghen tuông thì con không phải đàn ông rồi. Cái đẹp của mợ dễ làm người đàn ông lú lẫn.
Đĩnh rải lá gòn ra sân phơi. Cậu phải xay nhiều lá gòn vì mấy đứa nhỏ của mợ Thị cần phải ăn cơm. Mỗi lần nhìn đám lá xơ xác dưới nắng Đĩnh cười khặc khặc. Mình có ghen miếng nào đâu mà cũng ngu. Cứ hỏi tới hỏi lui, tại sao họ đối đãi nhau xám ngắt như cái màu lá khô này lại nói là thương nhau. Tình yêu nó chen lọt chỗ nào. Mà rõ ràng đám lá khô này xay ra lại có màu xanh. Màu xanh ở đâu ra. Cái thứ lá kỳ cục quá ta. Phải xây nhừ ra, nát bấy hết mới biết thật ra nó như thế nào…
2. Gió lạc mùa
Truyện ngắn của Ngô Tiến Mạnh
1.
Bây giờ thì trời đã xà xuống là đà mặt đất. Ánh trăng oằn mình cứa thành những vệt tím bầm vắt nham nhở xuống thung lũng. Gió quyện sương thổi thốc, va đập, lẩn khuất. Chúng tôi đang lạc vào một âm cung ma mãnh, u uất. Gió mỗi lúc một mạnh thêm, tưởng trừng chiếc xe đạp đã đứng yên khi nó vẫn gồng lên từng mét. Tôi co giúm người và ôm chặt con vào lòng. Sầu vẫn ngủ ngon lành trước những âm thanh um um, oam oam vọng ra từ các vách núi nhảy múa, bám quanh chúng tôi.
- Có lẽ chúng ta phải đi bộ thôi A Chát à!.
Chiếc xe khựng lại. Tôi ôm con bật khóc. Mặc dù suốt chặng đường ngót nghìn cây số tôi đã cố để không khóc, dẫu rằng nước mắt lúc nào cũng đừ đừ ứa ra. Giờ thì những dồn nén ấy được đà cứ bung chảy ra ào ạt. Vẫn giọng nói ấm áp ấy. A Pồng đặt hạ nhẹ nhàng chiếc xe xuống vệ đường. Phải bật đến que diêm thứ tư mới châm nổi điếu thuốc. A Pồng vừa nói vừa nhìn ra khoảng mịt mùng trước mặt.
- Đừng khóc! . Con nó sợ A Chát à!. Qua đoạn đèo Khau Co này là xắp tới nơi rồi. Nhưng phải đi bộ thôi. Đèo đêm lên thì được chứ xuống thì nguy hiểm lắm. Ây dà! Mùa gió qua rồi, nhưng thi thoảng vẫn có những cơn gió lạc mùa đi qua đấy mà. Nào! đứng dậy ta đi thôi A Chát à.
Tôi càng khóc to hơn. Lẽ nào tôi đã quên. Đây là nơi tôi sinh ra kia mà.
A Pồng lặng lẽ gỡ chiếc ba lô đựng quần áo trên lưng tôi, đặt lên chốc cái hòm sắt đựng sách vở lên Gacbaga. Tôi lầm lũi ôm Sầu, xiêu xiêu bước theo. Tiếng khóc của tôi lưa thưa, nhoà nhoà trong khoảng mịt mùng hun hút gió. Trên đầu vệt trăng thưa dần và biến mất. Và phía trước của con đường. Một vầng sáng tinh khiết đang nhu nhú hắt lên.
2.
- Trần Thị Hoa Ban. Hai mươi tám tuổi. Quê quán, hộ khẩu Hà Nội. Tốt nghiệp loại giỏi. Hệ đại học chính quy. Đã có kinh nghiệm sáu năm công tác...Hoan nghênh. Hoan nghênh lắm. Hề hề.
Vẫn để nguyên chiếc kính bám trên chóp mũi tèn tẹt. Xoa xoa mái đầu ba phần tư khoảng trống. Ông trưởng phòng giáo dục huyện nhìn xía vào tôi như một vật thể lạ. Ông không còn nhận ra tôi nữa. Tôi đau nhói trước cái lý lịch ấy.
- Dạ thưa chú…
- Hề hề. Anh thôi. Cứ gọi anh cho nó hoành tráng.
Tôi chưa kịp nói hết câu thì ông đã tụt chiếc kính ra khỏi mũi, tay gõ gõ vào bàn và tiến đến bên tôi.
- Thế em định lên đây bao lâu?.
- Dạ thưa...
Tôi chưa kịp hiểu ra ý ông, và ông cũng chẳng cần biết ý của tôi. Ông tiếp tục.
- Hiện giờ những người như em ở trên này đói lắm. Ấy là tôi cứ phải hỏi trước như thế cho dễ sắp xếp. Chứ các cô, các cậu dưới xuôi cứ lấy đỉnh đồi, đỉnh núi mà làm đà bay đi thì tội lắm. Học sinh nó hận người ở lại.
- Dạ..nhưng mà..
- Thôi nhé. Trường lớp tôi đã bố trí cả rồi. Mai em về dưới đó. Nếu có bay đi thì hãy lượn qua anh nhé. Hế hế.
Ông vừa nói vừa đưa bàn tay cũn lũn về phía tôi cùng nụ cười nhàn nhạt mà nghe có gì chua xót lắm.
3.
Trời oi nồng. Không nắng, cũng không mưa. Chiếc xe đạp vẫn lầm lũi nhảy múa trên con đường khoằm khoặm sỏi đá. Lưng A Pồng ướt đẫm mồ hôi. Mấy lần tay tôi cầm chiếc khăn định lau mổ hôi cho A Pồng, nhưng rồi lai run run dụt lại. Hình như biết được điều đó nên A Pồng đưa cánh tay áo lên chùi những giọt mồ hôi trên khuôn mặt. Miệng vừa nói vừa hổn hển.
- Lão Bấn trông thế mà tốt lắm đấy. Lão là người có năng lực. Nghe đâu đã bao lần người ta có ý đưa lão lên Tỉnh hay về miền xuôi quê lão mà lão toàn từ chối. Có người bảo là lão anh hùng giơm. Còn người khác thì lại bảo, lão hận con vợ bạc tình ở nhà, không lão mà chửa nên lão ở lại đây luôn. À mà...
Tôi không nói gì. Tôi biết A Pồng vừa biết mình quyệt vào vết thương còn đang há miệng. Còn với ông ta. Tôi lạ gì ông ta nữa. Tôi chỉ thấy trăm vạn nỗi buồn trong lòng mình đang vấn vít trên đỉnh PaXiPăng vời vợi kia. Và nỗi ân hận đang khào khạo chảy dưới dòng Nậm Mu quyện trong khói chiều làm tôi nhức nhối.
4.
Tôi không ngờ mình gặp lại hắn trên mảnh đất này. Gã sinh viên thành thị năm cuối. Kẻ đã đằng đẵng đeo đuổi tôi, đứa con gái tỉnh lẻ suốt từ năm học đầu tiên. Vẫn ánh mắt gào xé, đốt cháy người đối diện. Vẫn giọng nói đểu đểu nhưng thật đến chết người ấy. Giờ hắn lên đây để làm xếp của tôi. Hắn được điều động lên đây làm hiệu trưởng.
Ngày ấy. Đã bao lần tôi muốn ngả vào lòng hắn. Hay nói đúng hơn là tôi đã thầm yêu hắn.
Những đứa bạn cùng ký túc xá với tôi thì bảo. Cứ yêu đi, mất chó gì mà sợ. Nó con một. Nhà mặt phố, bố làm quan. Hơn nữa một đứa xinh đẹp như mày, có điên mới lại đâm đầu về cái nơi khỉ ho cò gáy ấy. Phải ở phố mới xứng. Nhưng mỗi khi tôi choáng ngợp trước ánh sáng thị thành và ngất ngây trong lời đường mật thì hơi thở nóng hổi của hắn phả lên mặt tôi lại khiến tôi choàng tỉnh.
Tôi nhớ những mùa gió nhức nhối, bỏng lửa quê tôi. Nhớ những ánh mắt khát chữ dưới ngọn đèn leo lét của các em tôi và người dân quê tôi. Tôi thương A Pồng, dù là vợ chồng nhưng anh vẫn chưa biến tôi thành đàn bà. Anh cũng như Pa, Mế tôi. Tất cả đều mong tôi mang cái chữ về cho dân bản mình. Thế là tôi ra trường mà bỏ lại ánh mắt ngùn ngụt cháy sau lưng mình.
Còn bây giờ. Vẫn những gì chưa cũ đang hiện ra trước mắt tôi. Ngược lại tôi lại không còn như xưa cũ nữa.
Khi tôi trở về. Ngôi trường được xây dựng khang trang hơn. Nhưng con đường vẫn ngập cỏ và nhầy nhụa cứt Trâu, cứt Ngựa. Những con người cứ đến rồi lại ngao ngán ra đi. Đi như chạy và không bao giờ ngoái đầu lại dù chỉ một lần.
Cả trường có đến hơn chục thầy cô giáo mà học sinh chưa khi nào vượt lên gấp đôi số ấy thì vui gì, tha thiết nỗi gì.
Những người mới đến thì háo hức, mơ mộng. Nhưng chỉ được một thời gian thì tan chảy. Có những hôm chỉ có những tiếng thở dài theo hun hút con đường huơ huơ bụi đỏ. Chẳng biết buồn vì lại chẳng có học sinh đến lớp hay họ đang đau đáu thả ánh mắt xuống dòng Nậm Mu đang cuồn cuộn chảy về xuôi kia nữa.
Họ bảo. Cũng muốn mang cái chữ về đây lắm. Nhưng khổ. Cái bụng nó vục cái chữ. Ở đây biết đến bao giờ cái chữ thay nổi củ sắn, bắp ngô. Đói thì phải ăn. Không có ăn thì phải đi tìm.Thế nên dù đã đi đến tận từng nhà, xoa từng đứa, nhưng hôm sau chỉ có tiếng mõ lóc cóc của con trâu lạc đàn thủng thẳng vọng vào tê tái.
Rồi có người còn thật thà hơn mà rằng. Ở thời này chỉ có trò đi tìm thầy, tìm lớp, đớp trường chứ đằng này... Đấy cứ nhìn đi. Được hôm nào trở trời thì sân trường biến thành bãi chăn Trâu, Bò, Ngựa. Còn trong lớp thì chẳng biết nổi đứa nào đang học, đứa nào đang ăn nhai, bú mớm nữa. Hơn cả, người trân trọng chữ, khát chữ thì cất chữ. Còn ở đây chữ mình trao hôm trước hôm sau đã nhoen nhoét khắp các vạt đồi rồi.
Tôi mang nỗi buồn ấy nhén với nỗi buồn của mình thành những cơn đau. Cứ mỗi ngày qua đi cơn đau đến với tôi mạnh và nhiều hơn.
Tuy không yêu, nhưng tôi thương A Pồng. Tôi thương anh và thương chính bản thân tôi.
Chẳng kể mùa đông hay mùa hè. Đêm nào tôi cũng phải ngâm mình dưới dòng Nậm Mu đến khi thấy hai hàm răng không còn va đập vào nhau nữa tôi mới trở về nhà. Và lần nào cũng thế. A Pồng vẫn ngồi đợi tôi dưới ngọn đèn hiu hắt. Nhiều lần tôi đã lao vào cấu xé thân thể A Pồng tứa máu. Nhưng A Pồng chỉ khóc. Và chỉ khi những giọt nước mắt đỏ ngàu của A Pồng chảy xuống ướt đẫm thì những hờn hận và khao khát, mây mẩy, hừng hực đàn bà trong tôi mới tạm lịm đi. Có những hôm, con đàn bà trong tôi nhảy múa cùng giấc mơ. Sau những âm ỉ bùng cháy và cuồng nhiệt tan chảy, tôi tỉnh dậy. Trước mặt tôi A Pồng đang giàn giụa cào xé chỗ ấy máu túa ra ướt sũng chiếc quần. Tôi ôm A Pồng khóc trắng đêm.
Tôi càng căng nửng bao nhiêu thì A Pồng càng héo hắt đi bấy nhiêu.
Tôi đã dắt A Pồng đi nhiều nơi. Hai bên nhà cũng đã mời nhiều thầy cúng, thầy thuốc về rồi. Nhưng A Pồng không thể làm đàn ông được. Và tôi như bao đứa con gái trong vùng. Đã là người nhà chồng. Thì sống làm người nhà chồng, chết làm con ma nhà chồng, chứ làm sao khác được. Và rồi hắn có mặt ở đây.
Giá bây giờ tôi như trước đây. Nhưng không. Hắn xuất hiện vào đúng lúc con lạc đà đang sắp chết khát. Bản năng tồn tại làm nó sẵn sàng lao vào hấp tấp, vồn vã. Tôi ngả vào lòng hắn, ừng ực.
Bừng tỉnh ấy là khi tôi có thai.
- Không! Anh đừng ngăn tôi. Đằng nào tôi cũng phải chết.
- Sống mới khó. Chết thì quá đơn giản. Em phải thương em, thương đứa bé chứ. Nó không có tội. Nghe anh. Hãy về xuôi với anh. Nơi ấy mới xứng đáng để em sống. Anh yêu em.
Và sau những lời nói ấy. Tôi lại ngoan ngoãn ngả vào lòng hắn. Lại ngấu nghiến ừng ực trên và quằn quại. Làm tơi tả những cánh hoa ban trắng trái mùa.
5.
Một tuần sau cái đêm ấy. Tôi đã ở thành phố.
Giờ tôi có tên là Ban. Trần Thị Hoa Ban. Hộ khẩu Hà Nội. Hắn bảo cái tên đó để nhớ những lần tôi và hắn có nhau trên vạt hoa ban hăng hắc ấy.
Trước khi xin cho tôi dạy ở một ngôi trường men Thành Phố. Hắn thuê một căn nhà rộng và khá đầy đủ tiện nghi. Hắn bảo tạm thời ở đó một thời gian trước khi cưới nhau.
Tôi ngất ngây, cuồng nhiệt, tê dại đón nhận hắn. Cuộc sống thị thành cuốn tôi. Ngày ra mắt, ngày cưới đốt cháy tôi. Tôi đã quên giờ quê tôi đang ở giữa mùa gió.
Hôm nay. Hắn quyết định đưa tôi vào thành phố.
Đó là một ngôi biệt thự sang trọng.
- Hoa Ban ?. Chắc bố mẹ cháu đã từng chiến đấu ở Tây Bắc hả ?. Ôi cháu đẹp quá.
Tôi ấp úng. Người đàn bà mà hắn giới thiệu là mẹ hắn vừa vuốt mái tóc dài mượt và đôi vai tròn lẳn của tôi, vừa châm ánh mắt hầm hập, như muốn đốt cháy thân thể tôi từ đầu đến chân. Cả người tôi đang rung lên. Bà lại tiếp tục.
- Cháu đừng ngại. Con trai bác giỏi thật. Chẳng trách bao nhiêu đám cũng đều môn đăng hậu đối mà bác ướm hỏi nó đều từ chối.
Tôi cúi đầu. Cốc nước lạnh trên tay tôi sóng sánh.
- Bố mẹ cháu làm gì ?. Nhà cháu ở đâu để hôm nào hai bác đưa anh đến cho nó phải phép. Rồi còn trọn ngày lành tháng tốt đi là vừa. Hả ?.
Người đàn ông mà hắn giới thiệu là bố vừa nói, vừa đặt cái tẩu thuốc đen bóng xuống cái gạt tàn người phụ nữ khoả thân làm bằng đá trắng vừa nhìn đăm đăm vào tôi như chờ đợi.
Mặt hắn tái đi. Hai bàn tay nhộn nhạo xoa vào nhau. Cốc nước trên tay tôi rơi xuống nền gạch đá lạnh buốt. Tôi oà khóc chạy vụt ra khỏi ngôi nhà.
6.
Thời gian cứ lẳng lặng trôi đi, nó đồng nghĩa với đứa con lớn dần lên trong tôi.
- Cứ từ từ đã. Đẻ xong rồi cưới vẫn chưa muộn mà. Có con chắc là bố mẹ anh sẽ chấp nhận em thôi. Mà bụng mang, dạ chửa thế này mặc áo cưới xấu lắm. Hơn nữa anh chuẩn bị được cất nhắc làm Hiệu trưởng trường A rồi. Làm mất lòng ông bà lúc này thì mất hết. Thương anh và con em cố lên nhé.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian